Chắc hẳn chúng ta đã có ít nhất một lần rơi vào tình trạng “tôi không có tâm trạng để làm gì cả” hay nói đơn giản là “down mood”.
Có những ngày bạn thức dậy vào buổi sáng và mang một tâm trạng “ẩm ương”. Pha một tách cà phê và nhìn chằm chằm vào khoảng không trước mặt, không có hứng làm gì. Tất nhiên là cũng không có hứng thú để nói chuyện với bất cứ ai, thậm chí bạn quan không quan tâm đến bất cứ điều gì.
Vậy tại sao tâm trạng chúng ta lại hay thay đổi thất thường như vậy?
Tâm trạng lên, rồi đi xuống, rồi lại sớm đi lên, lặp đi lặp lại như những vòng tàu lượn như vậy liệu có phải bình thường? Câu trả lời là có thể, nếu như việc thay đổi tâm trạng như vậy không gây cản trở tới cuộc sống thường ngày của bản thân cũng như của những người xung quanh.
Có rất nhiều yếu tố tác động khiến cho cảm xúc thay đổi trong ngày, lấy ví dụ với nhịp sinh học của cơ thể, đa số mọi người cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng vào buổi trưa nhưng sẽ có xu hướng uể oải, mệt mỏi vào đầu giờ chiều hoặc khi tối đến.
Đôi khi sự thay đổi tâm trạng là triệu chứng của một chứng rối loạn tâm thần, hoặc là chỉ báo cho một vấn đề nào đó trong cơ thể.
Những thay đổi tâm trạng nghiêm trọng khiến cuộc sống và hoạt động thường ngày bị tác động thì cần được can thiệp điều trị bởi các chuyên gia, và thay đổi lối sống cũng có thể giúp ích được phần nào. Tuy nhiên điều quan trọng trước tiên là phải tìm ra nguyên nhân nào khiến tâm trạng vui buồn thất thường.
Các lý do có thể khiến tâm trạng lên xuống thất thường
Căng thẳng và lo âu
Những rắc rối, phức tạp và những điều không ngờ tới diễn ra ngày qua ngày có thể khiến tâm trạng của con người bị thay đổi. Nếu là một người nhạy cảm, tâm trạng sẽ thay đổi mạnh hơn, thường xuyên hơn so với những người khác.
Những người đang bị căng thẳng thường hay phàn nàn về tình trạng thiếu ngủ. Nhiều người sẽ luôn cảm thấy không thoải mái, lo lắng, thậm chí sợ hãi ngay cả khi chính họ cũng nhận thấy chẳng vì lý do chính đáng nào cả.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Sự thay đổi tâm trạng lên và xuống ở người mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ mạnh hơn, kéo dài hơn so với những thay đổi tâm trạng thông thường. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một rối loạn tâm thần có thể điều trị được, và nó ảnh hưởng tới khoảng 3% số người trưởng thành tại Hoa Kỳ mỗi năm.
Ví dụ, trong cuộc sống ai cũng có lúc cảm thấy mỏi mệt không muốn dậy đi làm; nhưng với người mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm trạng tiêu cực sẽ diễn ra, cảm thấy không còn sức sống, buồn chán, nằm lì trên giường vài ngày (và bị sa thải), tệ hơn nữa là xuất hiện ý tưởng tự sát. Đây được gọi là pha trầm cảm.
Trầm cảm
Những người đang bị trầm cảm cũng vẫn có thể xảy ra thay đổi tâm trạng. Dù tâm trạng đang đi xuống, nhưng vẫn có thể tạm thời đi lên (mang lại cảm giác “ổn”). Những người bị trầm cảm có thể cảm thấy rất tệ vào buổi sáng nhưng sau đó sẽ cảm thấy khá hơn. Nếu cảm giác buồn chán, mệt mỏi, bồn chồn hoặc tuyệt vọng kéo dài trên 2 tuần bạn có thể đã mắc phải chứng trầm cảm.
Rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder - BPD)
Rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn tâm thần được đặc trưng bởi sự thay đổi cảm xúc mạnh và đột ngột, chẳng hạn như từ lo âu sang giận dữ, hoặc từ tuyệt vọng sang lo âu, nhưng không đạt được mức độ cao như những người rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Những người bị rối loạn nhân cách ranh giới thường không có khả năng đối mặt tốt với căng thẳng. Khi cảm thấy rất không thoải mái hoặc rất buồn, người mắc rối loạn nhân cách ranh giới có xu hướng tự làm hại bản thân.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (attention deficit hyperactivity disorder - ADHD)
Thay đổi cảm xúc, dễ phản ứng, dễ nản lòng đôi khi là những biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành. Các biểu hiện khác có thể xuất hiện là bồn chồn, hấp tấp, khó giữ tập trung.
Thay đổi nội tiết tố
Nội tiết tố sinh dục gắn liền với cảm xúc, do đó những thay đổi của nồng độ nội tiết tố có thể dẫn tới thay đổi cảm xúc.
Phải làm gì để đối phó với việc tâm trạng hay thay đổi thất thường?
Khi tâm trạng thay đổi, có một vài điều bạn nên áp dụng thử:
Thứ nhất, làm việc với thái độ lạc quan.
Thứ hai, thử đặt cảm giác của bạn về sự lạc quan trên thang điểm từ 1 đến 10, với điểm 1 là người cực kỳ bi quan và 10 là người vô cùng lạc quan, sau đó tự hỏi mình cần làm gì để thay đổi số điểm của mình theo hướng đi lên. Hãy, thử xem bạn cần thay đổi hành vi của mình như thế nào và ghi nhớ chúng.
Thứ ba, cố gắng nắm bắt xem điều gì làm thay đổi tâm trạng của bạn. Hãy để ý xem tâm trạng của bạn thay đổi khi nào từ ngày này qua ngày khác. Cố gắng theo dõi hết những chuyện đã xảy ra, ví dụ như, thức ăn hay thức uống có vai trò gì đối với thay đổi này không? Giấc ngủ của bạn dạo này thế nào?
Thứ tư, gây dựng, vun đắp một mối quan hệ. Việc tâm trạng thay đổi thất thường sẽ dễ dàng được giải quyết hơn nếu bạn có được một mối quan hệ tương đối bền chặt với một người nào đó.
Thứ năm, tìm ai đó để nói chuyện về sự thay đổi tâm trạng thất thường của bản thân. Người ấy có thể là người có chuyên môn về tâm lý hoặc không. Điều quan trọng là bạn có được cơ hội chia sẻ cảm giác của mình như thế nào và bạn muốn làm để giải quyết sự thay đổi tâm trạng thất thường ấy.
Thứ sáu, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, ăn uống lành mạnh và tích cực, dành thời gian làm những điều bạn thích, đặt ra các mục tiêu nhỏ cho bản thân, và hy vọng những điều tốt nhất, chấp nhận cả những việc tồi tệ có thể xảy ra, tránh việc suy diễn quá nhiều về những kết quả tiêu cực.
Việc xác định xem tâm trạng hiện giờ của mình là gì là điều cực kỳ quan trọng. Trong trường hợp những thay đổi tâm trạng này có xu hướng tiêu cực và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày, hãy tải ngay ứng dụng VOV Bacsi24 để được tư vấn kịp thời nhé!